Trong cuộc sống rất nhiều lần chúng ta bị người khác làm tổn thương và cách mà nhiều người lựa chọn đó là sống với tổn thương đó, chúng ta oán giận người làm tổn thương mình. Chúng ta hứa với lòng sẽ không đối xử, không làm tổn thương người khác như cái cách mà chúng ta bị đối xử, nhưng một sự thật phũ phàng là “người thường xuyên bị tổn thương lại dễ làm tổn thương người khác”
Không ai có thể thay đổi được hôm qua nhưng chúng ta có thể thay đổi được ngày mai.
Nếu bạn không tha thứ cho ai hay bất kì điều gì, sự thù hằn sẽ chiếm mất một phần tâm trí bạn, khi bạn tập trung nhiều vào điều gì thì bạn đang có xu hướng thu hút những điều đó đến với cuộc sống của mình, dần dần những điều mà bạn thu hút sẽ chiếm hết tâm trí, hút hết năng lượng của bạn, nó khiến bạn mất đi niềm tin vào người khác, một người nhiều lần đổ vỡ trong hôn nhân hay nói rằng bây giờ họ chẳng còn tin vào người đàn ông/phụ nữ có thể làm cho họ hạnh phúc, suy nghĩ này đã đóng lại cánh cửa hạnh phúc trong phần đời còn lại của họ. Bạn hãy nhớ rằng ở ngoài kia người xấu nhiều nhưng người tốt cũng nhiều như vậy, đừng đánh mất niềm tin vào cuộc sống.
Bạn không cần bỏ qua những hành động, lời nói của người làm tổn thương bạn như chưa từng có chuyện gì xảy ra, bạn cần ghi nhớ nó như một kinh nghiệm sống để những lần tiếp theo bạn có thể tự bảo vệ mình. Tha thứ là cho chính bản thân mình, oán giận người khác cũng giống như việc bạn đang uống thuốc độc và mong người ta trúng độc mà chết.
6 bước thực hành giúp bạn tha thứ
- Thừa nhận sự oán giận của bạn.
- Thừa nhận những vết thương và nỗi đau mà sự oán hận đó gây ra.
- Thừa nhận nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ của bạn.
- Những việc mà bạn đã làm khiến cho sự oán hận đó vẫn tiếp tục xuất hiện.
- Thừa nhận bạn không muốn có sự oán giận này và sau đó đặt mình vào địa vị của người kia để có thể hiểu rõ hoàn cảnh của họ và tại sao họ lại hành động như vậy.
- Hãy đi đến gặp và tha thứ cho họ.
Thật sự đây không phải là một điều dễ dàng mà ai cũng có phải làm được, tuy nhiên nếu bạn muốn trút bỏ những gánh nặng trong lòng thì đây là một trong những phương pháp mà bạn có thể thử.

Mahatma Gandhi – Tha thứ
Bạn cũng cần hiểu rằng, người ta luôn có xu hướng làm điều gì đó tốt nhất có thể trong khả năng của họ, với tất cả sự hiểu biết, kiến thức, kỹ năng, công cụ mà họ có. Nếu họ có thể làm tốt hơn, chắc chắn họ sẽ làm. Khi họ nhận thức rõ hơn rằng những việc làm của họ gây hại cho người khác, khi họ học được cách làm điều đó hiệu quả và ít ảnh hưởng đến người khác, họ sẽ làm theo cách tốt hơn. Hãy nhớ, tha thứ không phải cho người khác mà là cho chính bản thân mình.