Stephen Gray là một nhà khoa học đã từng có những phát hiện quan trọng trong lĩnh vực y học. Một phóng viên khi phỏng vấn đã hỏi: “Theo ông, điều gì đã khiến ông có thể thành công hơn người bình thường. Hay nói cách khác, ông khác mọi người ở điểm nào?” Nhà khoa học trả lời, tất cả đều nhờ một bài học mẹ dạy khi ông mới hai tuổi. Ông đang cố lấy chai sữa ra khỏi tủ lạnh thì bị mất thăng bằng, ngã và đánh đổ toàn bộ chai sữa ra sàn bếp. Mẹ ông đã không quát mắng mà chỉ nói với ông rằng: “Chà, chỗ bừa bãi mới tuyệt làm sao! Mẹ chưa từng thấy vũng sữa nào lớn như vậy. Ồ, dù sao sữa cũng đổ rồi. Con có muốn ngồi xuống và chơi với vũng sữa trước khi chúng ta lau dọn đi không?”
Thực tế là ông đã làm như mẹ gợi ý. Và sau đó vài phút, mẹ ông nói tiếp: “Con biết không, bất kì khi nào con làm mọi thứ trở nên bừa bãi, cuối cùng thì con cũng phải lau dọn. Thế con muốn lau dọn như thế nào? Mẹ con mình có thể dùng một chiếc khăn, một miếng bọt biển, hay một chiếc giẻ lau sàn. Con thích dùng thứ nào?” Sau khi đã lau dọn xong, người mẹ lại nói tiếp: “Mẹ con mình vừa có một bài học thất bại vì đã cầm chai sữa to bằng hai bàn tay nhỏ xíu. Chúng ta hãy ra sân sau, đổ đầy nước vào chai để xem con nghĩ ra cách nào cầm chai mà không đánh đổ nhé.” Và họ đã làm được.
Thật là một bài học tuyệt vời! Nhà khoa học cho biết đó là lúc ông nhận ra mình không phải lo sợ mắc sai lầm. Thay vì đó, ông học được sai lầm chỉ là những cơ hội để con người học được thêm những điều mới mẻ – bài học được chứng minh qua tất cả các thí nghiệm khoa học. Một chai sữa đổ đã đem đến cả một cuộc đời biết học hỏi từ kinh nghiệm – những kinh nghiệm đặt nền móng cho những đột phá về y học và những thành công vang dội toàn cầu.
1. Cha mẹ nên nghĩ lại: Hãy tạo cho con cái những cơ hội thực tế
Trẻ con không cẩn thận làm đổ chai sữa, làm đổ bát đũa, bày bừa bộn nhà cửa là những chuyện thường hay xảy ra. Đứa trẻ cũng qua đó mà khám phá thế giới mới, phát hiện những sự tình mà trước đây chúng chưa từng gặp qua, hiểu được rằng đồ vật nào là có thể động chạm vào, đồ vật nào là không thể động chạm vào, từ đó mà tự lập ra cho mình những quy tắc.

Tuy nhiên, có một số cha mẹ khi xử lý vấn đề tương tự, lại phần lớn là vì để mình đỡ phải lo, đỡ phải làm việc. Khi đứa trẻ làm đổ chai sữa, cha mẹ không hỏi rõ phải trái đúng sai mà trách mắng đứa trẻ vụng về, không nghe lời, không cho phép làm xáo trộn, thậm chí bắt đứng yên. Mặc dù, đây cũng là cách làm xuất phát từ việc bảo vệ con cái, sợ con cái vì cử động mà bị thương cơ thể. Nhưng vô tình lại làm hạn chế khả năng của trẻ, khiến con cái mất đi cơ hội rèn luyện, những tiềm năng của bản thân con cái không có cách nào để bộc lộ ra.
2. Cha mẹ sáng suốt hãy cho con cái cơ hội phạm sai lầm
Trước việc đứa trẻ làm vỡ đồ, cha mẹ phải duy trì thái độ bình thản, cần phải nhận thức được đứa trẻ còn nhỏ tuổi, năng lực tự nhiên có giới hạn, đánh vỡ đồ đạc cũng là chuyện bình thường. Cha mẹ sáng suốt sẽ ở trong phạm vi năng lực của trẻ mà chỉ dẫn cho trẻ nắm bắt một số kỹ năng, rèn luyện kỹ năng dùng tay, tạo cho trẻ những cơ hội thực tế. Cũng chỉ có bằng cách đó mới khiến chúng có thể tự mình nắm bắt những khả năng để không gây ra những “phiền toái”. Nếu như cha mẹ xử lý thỏa đáng thì sai lầm mới có thể chuyển hóa thành điều kiện phát triển có ích cho con cái. Cho nên, những “sai phạm” trẻ tạo ra không phải là vấn đề lớn, quan trọng là cha mẹ đối đãi với vấn đề đó như thế nào, vận dụng phương pháp xử lý nào, đây mới là mấu chốt.